Quyền lực thứ năm, sức mạnh của người tiêu dùng

Có một đồng nghiệp đưa ra nhận định rằng “Bãi rác lớn nhất trên Internet lúc này là Facebook”. Ngẫm lại, ý kiến của vị đồng nghiệp này không phải là không có cơ sở. Lướt quanh 1 vòng mình chỉ thấy toàn những người rãnh rỗi sẵn sàng post bất cứ lúc nào, bất cứ điều gì lên “Phây”. Người ta có thể sẵn sàng post lên bất cứ hoạt động gì mà đôi khi chẳng buồn suy nghĩ, ăn uống, đi chơi, ngủ nghỉ… thậm chí đi toilet người ta vẫn có thể chụp hình post lên facebook, hay cận kề trước miệng cá sấu người ta vẫn có thể liên tưởng đến việc nếu chụp hình đăng facebook có lẽ sẽ nhiều người like (Phim Tèo Em). Nhưng có lẽ đây là quan điểm sống của mỗi người, họ thấy vui khi thực hiện điều đó, và phàm những gì thuộc cá nhân người khác mình cũng không phê phán làm gì, vì suy cho cùng nó cũng chẳng làm hại ai.

Nhưng thời gian gần đây khi lướt facebook mình phát hiện một số bạn chia sẽ status về sự kiện sinh nhật vina, mobi, vitetel rồi nạp thể nhân 5 gì đó thông qua một trang web khuyến mãi. Việc này thì hoàn toàn khác. Mình hoàn toàn không có mấy thiện cảm với những status này và không cần nghiên cứu mình cũng biết đó là lừa đảo. Và mình biết bạn bè của mình thật ra không hề chia sẽ status đó mà do tài khoản của họ dính một mã độc nào đó. Không chần chừ mình REPORT ngay cho facebook biết về vụ lừa đảo này. Ngày hôm qua, facebook đã gửi email phản hồi kèm lời cảm ơn cho mình. Nhận được email mình cảm thấy vui vì dẫu sao cũng đã đóng góp 1 phần nhỏ sức lực cho xã hội và đó chính là lý do ra đời bài viết ngày hôm này.
Mỗi khi sử dụng một sản phẩm hay dịch vụ nào đó, thì chúng ta được gọi bằng cái tên là “Người tiêu dùng”. Và những người tiêu dùng có một quyền lực tối thượng gọi là “quyền lực thứ năm”, nếu chúng ta biết sử dụng triệt để quyền lực này thì mọi nhà sản xuất hay nhà cung cấp dịch vụ đều phải quan ngại. Đó chính là quyền sử dụng hay không sử dụng một sản phẩm nào đó bởi tiền đang nằm trong túi của chúng ta mà.
Trong trường hợp trên, mình đã dùng quyền lực của người tiêu dùng thể hiện bằng hành động giám sát để thông báo cho facebook biết về một status lừa đảo. Và facebook ý thức được nguy cơ mất khách hàng nên đã có những động thái cụ thể để làm hài lòng mình. Nhưng nếu chỉ có mỗi mình REPORT thì sẽ chẳng có ý nghĩa gì bởi làm sao facebook biết được mình có oán thù cá nhân gì với tác giả đó hay không. Do đó, mình hy vọng sau khi đọc xong bài này các bạn sẽ biết vận dụng “quyền lực thứ năm” của bản thân bằng một hành động cụ thể đó là REPORT. Nếu xã hội (thực hoặc ảo) ai cũng hành động khi gặp chuyện bất bình thì cho dù facebook muốn khoanh tay đứng nhìn cũng không được.

Để hiểu thêm về “quyền lực thứ năm”, mình xin dẫn ra một ví dụ khá kinh điển mà mới vừa xảy ra gần đây thôi các bạn sẽ dễ hình dung hơn. Trước đây, ai theo dõi báo chí sẽ không thể quên vụ xả thải gây ô nhiễm môi trường của công ty Vedan làm xôn xao dư luận 1 thời gian. Và khi các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra và ra quyết định xử phạt thì dường như mức xử phạt hành chánh không đủ sức răng đe (chuyện này khá phổ biến ở nhiều lĩnh vực như giao thông, làm hàng nhái hàng giả, mại dâm…). Do đó, vụ kiện của người dân dường như rơi vào vô vọng và khả năng thắng kiện rất mong manh vì những kẻ hở của pháp luật. Khi mà công ty Vedan còn ung dung tự đắc vì sự bất lực của pháp luật thì chính lúc này quyền lực thứ năm đã lên tiếng. Cộng đồng người tiêu dùng, và các kênh bán hàng đã kêu gọi không mua bán hàng hóa của Vedan, sau đó thì vụ việc đã được giải quyết ổn thỏa bằng thỏa thuận ngoài tòa với giá trị bồi thường gần 100%. Vậy đó, bạn thấy quyền lực người tiêu dùng lớn đến mức nào chưa.
Bản thân mình luôn áp dụng quyền lực này mỗi khi cần thiết với tinh thần cầu thị. Chẳng hạn, mới đây thôi khi sử dụng phần mềm Misa, mình thấy một biểu đồ cần thiết đáng ra phải có nhưng lại không có mình liền viết thư góp ý với nhà sản xuất, rất bất ngờ công ty đã trả lời rất nhanh và vạch rõ lộ trình cập nhật tính năng mình góp ý. Sử dụng các phần mềm khác mình cũng sẵn sàng góp ý khi thấy điều gì đó không phù hợp. Và sau nhiều lần góp ý thì mình rút ra kết luận các phần mềm của nước ngoài trả lời nhanh hơn là phần mềm của Việt Nam. Đây là một sự thật, nhưng lý do không phải Việt Nam tệ mà chỉ vì do chênh lệch múi giờ nên mình luôn gửi phản hồi cho các phần mềm nước ngoài trong giờ  làm việc của họ.
Ngoài ra, một lần khi đi ăn bò lá lốt tại quán sonvn, rất ấn tượng với tính tình vui vẻ và dễ thương của bé chủ quán. Trước khi rời quán mình có góp ý nhỏ với bé ấy rằng nên bổ sung rau dấp cá (vì mình thích loại rau này), và sắp xếp lại cách tổ chức nhân sự của quán. Không ngờ lần sau ghé lại, cô chủ quán đã bổ sung rau dấp cá thật mà còn bất ngờ hơn khi cô bé ấy nhớ mặt mình nữa. Cũng vui các bạn nhỉ.

Nhưng hiện nay, ở Việt Nam việc sử dụng quyền lực thứ năm này còn rất hạn chế. Hầu như người ta rất ít thấy người tiêu dùng Việt lên tiếng một cách nhanh nhạy và có bài bản. Mà hầu hết đều né tránh khi được mời làm các khảo sát về chất lượng hay dễ dàng bỏ qua khi có 1 điều gì đó không vừa lòng vì cho rằng ý kiến của một mình họ sẽ chẳng bao giờ được để ý. Nhìn lại vụ anh Thoại bị lừa mua iphone gần đây mới thấy, người dân Singapore đã phản ứng nhanh đến mức nào, và chính nhờ những nhanh nhạy này đã giúp giữ lại thể diện của một quốc gia. Hay như một hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng ở châu Âu Test-Achats đã thuê một phòng thí nghiệm độc lập phân tích xăng và chứng minh nhiều cây xăng gian dối khi quảng cáo về chất lượng sản phẩm. Công bố của tổ chức này đã gây nhiều tiếng vang lớn và trở thành bài học cho thế hệ sau.

Tóm lại, trên thế gian này có một thế lực hùng mạnh đó là “quyền lực thứ năm” hay quyền lực người tiêu dùng. Nhận thức được quyền lực này là một vấn đề quan trọng còn hành động để thể hiện quyền lực này thì cần phải có thời gian nuôi dưỡng. Hẹn gặp các bạn ở các bài viết tiếp theo về chủ đề này.
DS. Hồ Đức Cường
Quyền lực thứ năm, sức mạnh của người tiêu dùng Quyền lực thứ năm, sức mạnh của người tiêu dùng Reviewed by Hồ Cường on 04:06 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Ds. Hồ Đức Cường. Được tạo bởi Blogger.