Hiểu đúng về một bài báo

Lang thang sự đời nhiều khi mình cũng chẳng nhận ra mình là ai trong cuộc đời này, nhiều người quen biết mình thì gọi mình bằng Dược sỹ Cường, ờ có lẽ đúng bởi dù sao thì Đại Học Y Dược Cần Thơ cũng cấp cho mình tấm bằng trên đó có ghi “Dược Sỹ”. Nhưng trong quá trình làm việc ít khi nào mình có cơ hội vận dụng những kiến thức về dược đã học mà toàn là phải đi tìm hiểu những kiến thức ở đâu – mà mình chưa biết là đâu – để áp dụng vào thực tế công việc. Còn khi về nhà mình thích làm “nhà báo” hơn, bởi không cần làm gì chỉ ngồi không cho người khác nuôi thì còn gì sướng bằng.

Nhắc đến báo mình chợt nhớ đến “6 Kình”, à không phải gọi bằng thầy Kình mới đúng phép. Trong 1 lần hiếm hoi lúc thỉnh giảng năm cuối đại học, thầy chia sẽ về thói quen của thầy. Để có thể thực hiện những nghiên cứu có giá trị thì phải biết thế giới đã làm những gì, mà muốn biết thì phải đọc những bài nghiên cứu trong các tạp chí khoa học (TCKH), thầy nói trung bình 1 ngày thầy đọc 3 bài. Lúc đó, mình rất ngưỡng mộ thầy và định làm theo nhưng thôi rồi nhiệm vụ bất khả thi. Một bài báo giá trung bình 30$ thì một thằng sinh viên hay một Dược Sỹ trẻ thì đây là một nhu cầu hoàn toàn không có khả năng thanh toán. Và rồi ý định này phải dẹp bỏ ngay tức khắc.
Bây giờ, ngồi đọc mấy trang như VnExpress hay Zing hay 24h thấy có vẻ hợp với mình hơn vì hoàn toàn miễn phí – mình thích thế và có lẽ các bạn cũng vậy. Nhưng xen kẽ trong các tin tức thời sự, các bài bình luận là các tin lộ hàng, cướp, hiếp, giết, hoặc các tin lá cải khác. Nhiều khi lật đi lật lại 1 bài đưa tin lộ hàng, thậm chí xem ở nhiều góc độ khác nhau mà mình chẳng thấy gì để xem!
Buồn.
Ngoài ra, các trang báo này còn đưa tin về các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học đã công bố trên các TCKH. Hi Hi, vậy là vẫn tiếp cận được với thế giới mà không cần tốn 30$ rồi. Nhưng sự đời lúc nào cũng có cái giá phải trả. Người ta nói tam sao thất bản nhưng ở đây chỉ cần nhà báo viết lại 1 lần thôi là có khi ý nghĩa có khi sai hoàn toàn rồi. Một công trình nghiên cứu rất công phu và bài bản, một nhà báo đọc qua loa rồi tóm tắt lại, chèn thêm các phát biểu của tác giả. Nếu dừng lại ở đây thì không có vấn đề gì đáng nói, nhưng thông thường, với nghiệp vụ của một nhà báo phải làm sao tin tức này hấp dẫn hơn và thu hút nhiều người đọc hơn thì họ thường từ bài nghiên cứu rút ra kết luận theo quan điểm của nhà báo (đương nhiên thiếu căn cứ khoa học) rồi đưa kết luận này thành tiêu đề nhưng phải chế biến để thật giật gân.
Đơn cử, hồi đầu năm mình có đọc bài báo với tiêu đề “Người thức khuya dễ giàu hơn[1] được đăng trên VnExpress. Bài này xuất phát từ nghiên cứu của một nhóm tác giả thuộc trường đại học Liege, họ so sánh mức độ tập trung suốt ngày của những người thức khuya và dậy muộn so với những người ngủ sớm và thức sớm. Nghiên cứu phát hiện ra rằng người thức khuya sẽ có mức độ tập trung cao hơn người ngủ sớm. Nghiên cứu không hề đề cập đến vấn đề giàu nghèo ở đây. Nhưng VnExpress đưa tin lại thì kết luận liền thức khuya dễ giàu hơn. Cớ sao lại vội vàng quá vậy mà không thực hiện những nghiên cứu so sánh thói quen của người giàu và người nghèo hay nghiên cứu theo dõi thõi hoạt động của 2 nhóm người và phân tích về mức độ giàu nghèo của họ.
Tương tự như vậy, một bài báo khác là “Sex 4 lần mỗi tuần có thể khiến bạn giàu hơn[2] – lại giàu có lẽ điều này luôn ám ảnh người nghèo như tôi nên các bạn thông cảm. Thật ra nghiên cứu chỉ quan sát thấy nhóm quan hệ 4 lần mỗi tuần (hoặc hơn) có thu nhập nhiều hơn 5% so với nhóm còn lại, chứ người ta không chứng minh được sex nhiều là nguyên nhân của giàu hay giàu là nguyên nhân của sex nhiều. Thế nhưng nhà báo thì rất hấp tấp và suy nghĩ phiến diện.
Qua hai bài báo này làm mình nhớ đến 1 fan của mình. Chuyện là vào những năm đại học có 1 fan hỏi mình “Sư phụ ăn cơm ở đâu, sư phụ uống nước ở đâu?” mình trả lời ăn cơm đầu hẻm, uống nước bà hai trứng cá và hỏi lại chi vậy, fan trả lời “Từ nay tui sẽ ăn cơm đầu hẻm và uống nước bà hai trứng cá để thông mình như sư phụ.” Thật buồn cười khi thế gian này không chỉ có mỗi 1 fan của mình ngây thơ mà nhiều người khác còn ngây thơ hơn. Thức khuya và quan hệ nhiều để giàu hơn, chuyện đùa.
Để chứng minh rõ hơn mình xin nói về một nghiên cứu khác. Các nhà khoa học đo lường nồng độ vitamin D trong máu của 2 nhóm trẻ em và quan sát về xác suất lên cơn hen của 2 nhóm này. Nghiên cứu phát hiện ra rằng nồng độ vitamin D thấp làm tăng 25% nguy cơ lên cơn hen. Thế là họ đưa ra khuyến cáo nên bổ sung vitamin D cho những đứa trẻ có nồng độ vitamin D thấp để giảm nguy cơ lên cơn hen. Nghe có vẻ hợp lý lắm phải không. Nhưng một nghiên cứu khác được công bố trên JAMA đầu năm nay mới phát hiện ra rằng việc bổ sung vitamin D cho nhóm có nồng độ vitamin D thấp không làm giảm tỷ lệ khởi phát cơn hen cũng như tỷ lệ thất bại điều trị đầu tiên hay thay đổi đáp ứng của điều trị với steroid [3]. Vậy đó, chỉ đọc và dừng lại thôi còn suy diễn thì phải làm nghiên cứu mới chứng minh được.

Tôi muốn đưa thêm 1 ví dụ về 1 bài báo gần đây. Vào tháng 11 năm 2014 báo Tuổi Trẻ có đưa tin với tiêu đề “Uống sữa ở người lớn, hại nhiều hơn lợi”. Đọc tiêu đề bài này thôi có lẽ đã có nhiều người rùng mình, đọc luôn nội dung thì sẽ có nhiều người quyết định sẽ không uống sữa nữa. Nhưng rất nhanh chóng, chưa đầy 1 tháng sau thì bài này đã được gỡ xuống và các bạn tìm trên trang tuổi trẻ sẽ không còn nữa. Nhưng những trang tổng hợp tin tức nhanh “chuột” thì vẫn còn nên các bạn search trên mạng thì vẫn tìm thấy. Thật ra bài này phóng viên báo Tuổi Trẻ viết lại từ 1 nghiên cứu được công bố trên BMJ về mối quan hệ giữa uống sữa và tăng nguy cơ tử vong và loãng xương. Khi kết quả nghiên cứu được công bố nó đã từng làm sửng sốt các nhà khoa học và họ đã chỉ ra rất nhiều vấn đề từ nghiên cứu này. Tác giả cũng đã chấp nhận về những điều này và đề nghị nên cẩn thận khi diễn giải và sử dụng kết quả chứ đừng nên tin một cách mù quáng. Tương tự như nghiên cứu [2] ở trên, thật ra tác giả chỉ tìm được mối tương quan giữa uống sữa, tử vong và gãy xương chứ không biết được đâu là nguyên nhân, đâu là kết quả. Thế nhưng pv Tuổi Trẻ thì tin sái cổ và khẳng định chắc nịnh “hại nhiều hơn lợi”, mặc dù từ “không có lợi” đến “có hại” đã là một chặng đường dài rồi, đằng này từ lại mà chuyển thành hại cái rụp.  Lại một lần nữa “sao vội vàng quá vậy”.
Tóm lại, khi đọc các bài báo Việt Nam viết lại từ một nghiên cứu thì:
(1)  không đọc tiêu đề, bởi đa phần nội dung cả bài chỉ là tóm tắt, tường thuật lại và thêm tiêu đề giật gân (nhưng lại sai be bét).
(2)  tìm đọc bài nghiên cứu đầy đủ (full text)
(3)  hỏi ý kiến chuyên gia (nếu chưa tìm ra chuyên gia nào thì hỏi mình củng được)

Không ngờ lần đầu viết blog mà dài dữ vậy, bạn nào đọc được đến đây cũng kiên nhẫn lắm đó. Riêng bài này thôi cũng đã tiêu tốn của mình hết 4h, nên khi công bố bài này mình rất mong nhận được các comment của của bạn (giống câu like quá ta) để mình có thể cải thiện kỹ năng viết hơn. Cảm ơn my fans.
Ds. Hồ Đức Cường
Hiểu đúng về một bài báo Hiểu đúng về một bài báo Reviewed by Hồ Cường on 00:10 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Ds. Hồ Đức Cường. Được tạo bởi Blogger.